Đề tài

Hoạt động nghiên cứu

Share Social
Print
Quay lại

Đề tài: “VAI TRÒ CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG TRONG VIỆC THỰC HIỆN CÁC CAM KẾT QUỐC GIA TRONG KHUÔN KHỔ HỢP TÁC TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG MỞ RỘNG (GMS)”

  • Ngày 22/03/2022
  • Hit 267
  • Tác giả iwep
Chủ nhiệm: TS. Nguyễn Hồng Nhung
Xuất phát từ thực tế rằng thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh là khác nhau trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế và kết quả đó ít nhiều phụ thuộc vào hoạt động của chính quyền địa phương, mục đích chính của đề tài là nghiên cứu thực tế hoạt động của chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, các chính sách của chính phủ về hợp tác GMS, từ đó đưa ra những đánh giá về vai trò của chính quyền địa phương trong quá trình hợp tác GMS.
Trong đề tài này, các chính quyền địa phương được nghiên cứu như là một bên (stakeholder) trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, với vai trò chủ yếu là thực thi các chính sách của chính phủ tại địa phương mình và là cầu nối của cộng đồng dân cư, của các doanh nghiệp với chính phủ. Việc nghiên cứu hoạt động của các chính quyền địa phương được giới hạn vào việc thực hiện các cam kết trong hợp tác GMS. Tuy nhiên, nó sẽ có ý nghĩa lan toả, bởi các mục tiêu của hợp tác GMS đều được lồng ghép trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, cũng như ở các cấp chính quyền địa phương. Vì thế, những kết luận của đề tài sẽ có ý nghĩa đối với quá trình thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế nói chung của các địa phương và cả trung ương.
   Ngoài Phần Mở đầu và Kết luận, báo cáo đề tài được cấu trúc làm ba chương với các nội dung tóm tắt như sau:
Chương 1: Vai trò của chính quyền địa phương trong quá trình tự do hoá và liên kết kinh tế quốc tế dưới góc độ lý luận và pháp lý
Để xác định vai trò của chính quyền địa phương trong quản lý kinh tế và hành chính noi chung, cũng như trong thực hiện các nhiệm vụ hợp tác kinh tế quốc tế nói riêng, tác giả dựa trên những kết quả từ quá trình phi tập trung hóa trong các nước GMS và sự phân chia vai trò, hoạt động của các bên tham gia trong việc thực hiện các hiệp định trong hợp tác GMS.
Kết quả từ quá trình phi tập trung hóa cho thấy chính quyền địa phương các cấp ở các nước GMS hiện nay có ba nhóm chức năng chính là nhóm chức năng theo pháp luật quy định, bao gồm duy trì pháp luật và trật tự xã hội, cung cấp các dịch vụ công thiết yếu, nhóm chức năng được thực hiện theo khả năng, bao gồm cung cấp cơ sở thương mại, bưu điện, bệnh viện, trường học… và nhóm chức năng được quy định trong các quy định chuyên biệt, như Luật Quốc phòng, Luật Quảng cáo, Quy định về trật tự công cộng…
Mặt khác, vai trò của chính quyền các cấp địa phương trong hợp tác GMS còn được xác định dựa trên phân tích nhiệm vụ của họ trong việc hoạch định chính sách và thực hiện các hiệp định trong Chương trình GMS của ADB. Dưới góc độ này, chính quyền địa phương các cấp có vai trò quan trọng hơn trong việc thực hiện các cam kết.
Hơn nữa, xuất phát từ thực tiễn rằng trong quá trình quản lý kinh tế, hoạt động quan trọng nhất của chính quyền địa phương là lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm, trung và dài hạn cho địa phương mình, trên cơ sở kế hoạch tương ứng ở cấp quốc gia. Qua nghiên cứu nội dung của các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các nước GMS cũng như các địa phương của họ, có thể nhận định rằng về cơ bản nội dung hợp tác của GMS phù hợp với các mục tiêu phát triển quốc gia. Bên cạnh đó, quan hệ hữu nghị nhiều mặt giữa các tỉnh láng giềng trong các nước GMS là mối quan hệ truyền thống và ngày càng phát triển, hỗ trợ rất nhiều trong thực hiện các cam kết theo hợp tác GMS.
Chính vì thế, vai trò của chính quyền địa phương các cấp trong thực hiện các cam kết quốc gia trong khung khổ hợp tác GMS được nghiên cứu thông qua ba hoạt động chính của địa phương là lập và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, tham gia thực hiện các dự án và các cam kết chính sách trong Chương trình GMS của ADB và hoạt động hợp tác hữu nghị nhiều mặt giữa các tình láng giềng trong GMS.
Chương 2: Hoạt động của các chính quyền địa phương trong việc thực hiện các cam kết của quốc gia trong khuôn khổ hợp tác GMS
Hoạt động lập kế hoạch của các nước GMS trong một thập kỷ gần đây có nhiều đổi mới. Phương pháp tiếp cận từ dưới lên đã được áp dụng khá phổ biến tại hầu hết các địa phương. Vì thế, các kế hoạch đã có định hướng tới các kết quả cụ thể khá rõ nét. Trong hoạt động này, quyết định khởi xướng thay đổi cách tiếp cận là thuộc chính quyền trung ương, các cấp địa phương là nơi thực hiện chúng. Cách tiếp cận này khá phù hợp với phương thức hoạt động của GMS – tiếp cận theo hoạt động và định hướng vào kết quả cuối cùng. Trong bối cảnh nhiều hoạt động của hợp tác GMS cũng là những hoạt động trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, nhiều khi, ở cấp địa phương, không có sự phân biệt rõ rệt giữa hoạt động để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương và hoạt động trong Chương trình GMS của ADB, nhất là các tình ở xa các tuyến hành lang giao thông Đông – Tây, Bắc – Nam, phía Nam và các tỉnh không có các cửa khẩu quốc tế.
Qua nghiên cứu thể hiện của chính quyền địa phương các cấp trong ba hoạt động đã đề cập đến ở chương 1, tác giả đã đưa ra 6 điểm thành công và 4 tồn tại lớn của các cấp chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện vai trò là một trong những bên thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và các cam kết hợp tác GMS thời gian qua.
Chương 3: Giải pháp phát huy vai trò của các chính quyền địa phương trong thực hiện các cam kết quốc gia trong khuôn khổ hợp tác GMS trong tương lai
Trước dự báo về bối cảnh tăng trưởng khá lạc quan của nền kinh tế thế giới, sự tăng cường liên kết kinh tế khu vực ở Đông Á, sự lớn mạnh của nền kinh tế Trung Quốc, cũng như xu hướng gia tăng quá trình phi tập trung hóa, kết hợp với những đòi hỏi của quá trình đô thị hóa trong tiểu vùng, các nước GMS đã quyết tâm tăng cường hợp tác tiểu vùng, trong đó nhấn mạnh việc thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện các cam kết đã ký kết. Thực tế đó đặt ra cho các nước một số vấn đề cần phải giải quyết, như sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay và viện trợ từ bên ngoài quá lớn, tiến trình thực hiện các cam kết còn chậm, các thách thức từ vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, vấn đề phân cấp quản lý cho các địa phương nên như thế nào trong bối cảnh thiếu nguồn tài chính và nhân lực tại địa phương là khá phổ biến, vấn đề thích ứng với những đòi hỏi của quá trình đô thị hóa, cụ thể là quản lý các đô thị mới hình thành và các đô thị lớn dần về qui mô.
Dựa trên các nguyên tắc của mô hình phát triển kinh tế địa phương mà Tổ chức Chính sách Kinh tế và Phát triển Kinh tế Tư nhân GTZ của Đức đang được áp dụng khá phổ biến ở các nước GMS trong đó có Việt Nam, tác giả đề ra 6 nhóm giải pháp liên quan đến nhận thức và áp dụng các nguyên tắc thị trường vào quản lý kinh tế địa phương, nâng cao tính minh bạch, năng lực cán bộ trong các cơ quan công quyền, liên quan đến cải cách hành chính, tham gia vào giải quyết các vấn đề toàn cầu và tăng cường sự phối hợp giữa các bên tham gia trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và hợp tác kinh tế quốc tế. Bằng cách đó, hy vọng vai trò của chính quyền địa phương các cấp với tư cách là bên thực hiện các nhiệm vụ liên quan trong các hoạt động trên sẽ được phát huy đáng kể.