Sự kiện

Tin tức và sự kiện

Share Social
Print
Quay lại

Tọa đàm khoa học “Cơ sở lý luận và thực tiễn về trật tự thế giới”

  • Ngày 31/03/2022
  • Hit 84
  • Tác giả iwep

Tọa đàm khoa học “Cơ sở lý luận và thực tiễn về trật tự thế giới”

25/03/2022

Tham dự Tọa đàm về phía Viện Hàn lâm có các Giáo sư, Phó giáo sư; các Viện trưởng, Phó Viện trưởng các Viện Nghiên cứu và một số chuyên gia của Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới. Tọa đàm còn vinh dự đón một số khách mời là chuyên gia, nhà khoa học đến từ Đài Loan: Đại học Nam Hoa, Đại học Sư phạm quốc lập Đài Loan; Đại học Gia Nghĩa quốc lập Đài Loan; Viện Nghiên cứu Quốc phòng An ninh Đài Loan.

Đồng chủ trì Tọa đàm (Từ trái sang): TS. Hoàng Thế Anh – Viện Kinh tế và Chính trị thế giới;

TS. Phạm Anh Tuấn, Viện Kinh tế Việt Nam, đại diện Ban chủ nhiệm Chương trình

Phát biểu khai mạc và đề dẫn buổi Tọa đàm, TS. Phạm Anh Tuấn, đại diện Ban chủ nhiệm Chương trình vinh dự và vui mừng chào đón các học giả, các nhà khoa học trong và ngoài Viện Hàn lâm có mặt tại buổi Tọa đàm. Điểm qua quá trình lịch sử thế giới, TS. Phạm Anh Tuấn cho biết, kể từ sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc vào thập niên 1990, với sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết và sự tan rã của khối các nước xã hội chủ nghĩa, một trật tự thế giới được hình thành với sự dẫn dắt của Mỹ và các nước phương Tây. Đến năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra đã gây ra những tác động to lớn, làm suy yếu sức mạnh kinh tế của Mỹ và các nước phương Tây. Cùng với đó là sự nổi lên nhanh chóng của các nước cường quốc mới nổi. Kể từ năm 2010, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Năm 2019, Ấn Độ cũng vượt qua Anh, Pháp vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Nga cũng trở lại vị thế cường quốc với một nền kinh tế được vực dậy, và uy thế quân sự được phục hồi. Các quốc gia này đang gia tăng sức ép và có những phản ứng mạnh mẽ hơn đối với Mỹ và phương Tây trong các vấn đề về thương mại, tiền tệ và tài chính toàn cầu. Các cơ chế như G20 đang có tầm quan trọng ngày càng lớn hơn so với cơ chế G7, các khoản vay xuyên quốc gia từ các ngân hàng Trung Quốc được thực hiện nhanh chóng hơn các khoản tài trợ từ World Bank hay IMF. Một trật tự thế giới mới đang manh nha hình thành. Trước những thách thức này, đặc biệt là từ phía Trung Quốc, năm 2012 chính quyền tổng thống Obama đã đưa ra chính sách xoay trục về châu Á, tiếp sau đó chính quyền tổng thống Trump đã khơi mào cuộc chiến tranh thương mại nhằm vào Trung Quốc. Đây được ví như sự đối đầu giữa người đứng đầu trong trật tự thế giới cũ và kẻ thách thức số 1 trong trật tự thế giới mới. Nhiều ý kiến cho rằng đây là sự bắt đầu của một cuộc chiến tranh Lạnh mới, còn gọi là chiến tranh Lạnh 2.0.

Đề cập tới bối cảnh hiện tại, TS. Phạm Tuấn Anh chia sẻ thêm, đại dịch COVID-19 bùng phát và gây ra cho thế giới những tàn phá nghiêm trọng về kinh tế và xã hội. Chỉ trong vòng hơn 2 năm qua, đại dịch đã khiến hơn 470 triệu người nhiễm bệnh và hơn 6 triệu người thiệt mạng trên toàn thế giới. Ở khía cạnh nào đó, đại dịch dường như giúp sự đối đầu giữa các cường quốc nguội đi phần nào do thế giới phải chung tay ứng phó với virus Corona, kẻ thù chung của loài người. Đến thời điểm hiện tại, khi thế giới dường như thở phào trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, cuộc xung đột quân sự giữa Nga – Ukraina đột ngột bùng phát. Cuộc chiến này được xem là bước ngoặt lớn, dự báo sẽ gây ra những thay đổi quan trọng đối với trật tự thế giới. TS. Phạm Tuấn Anh mong muốn qua buổi Tọa đàm này, các học giả Đài Loan và Việt Nam sẽ chia sẻ những đánh giá, những phân tích về tác động của chiến tranh Nga – Ukraina đến thực tiễn quan hệ kinh tế quốc tế, đến trật tự thế giới và an ninh khu vực; cũng như vấn đề tập hợp lực lượng trong bối cảnh quốc tế mới. Từ đó, tọa đàm nhìn nhận lại cơ sở lý luận về trật tự thế giới và rút ra những kết luận để đóng góp kiến nghị chính sách quan trọng cho Việt Nam và Đài Loan trong bối cảnh quốc tế đang có nhiều thay đổi liên tục, khó lường.

PGS.TS. Tôn Quốc Tường, Đại học Hoa Nam, Đài Loan phát biểu tại phiên khai mạc

Tiếp lời TS. Phạm Anh Tuấn, PGS.TS. Tôn Quốc Tường, đến từ Đại học Nam Hoa, Đài Loan khẳng định, hiện tại thế giới đang chịu nhiều ảnh hưởng to lớn từ các quốc gia trên thế giới và hiện tại là cuộc khủng hoảng quân sự Nga – Ukraina và cuộc khủng hoảng này tác động tới các quan hệ giữa các cường quốc với nhau cũng như ảnh hưởng đến an ninh của các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, trong đó có cả Việt Nam và Đài Loan. Do đó, phía Đài Loan rất quan tâm tới tác động từ xung đột quân sự Nga – Ukraina tới eo biển Đài Loan. Bởi vậy, qua buổi Tọa đàm hôm nay mong muốn có những trao đổi về những vấn đề liên quan cũng như có những lý giải sâu dưới góc nhìn của Đài Loan về cuộc khủng hoảng Nga – Ukraina.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã được nghe 3 báo cáo tham luận từ các học giả Việt Nam: (i) “Trật tự thế giới sau xung đột vũ trang Nga – Ukraina”; (ii) “Ảnh hưởng của xung đột vũ trang Nga – Ukraina đến kinh tế thế giới”; (iii) “Ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraina đến Việt Nam”.

Các đại biểu tham dự trình bày báo cáo và phát biểu thảo luận tại Tọa đàm

Trong phiên thảo luận, các đại biểu tham dự Tọa đàm đã trao đổi và cùng thảo luận các vấn đề liên quan đến tình hình xung đột giữa Nga và Ukraina. Từ góc độ lý luận, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraina có thể được lý giải từ góc độ của hai mô hình lý thuyết là Chủ nghĩa Hiện thực và Chủ nghĩa Thể chế. Các học giả đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các nước lớn trước cuộc khủng hoảng này và đặt ra câu hỏi liệu rằng cuộc xung đột có trở thành tiền đề cho các cuộc xung đột tương tự ở các khu vực khác, ví dụ như Đông Á hay không. Một vấn đề khác cũng được quan tâm là vai trò của các thể chế quốc tế khi cuộc chiến Nga – Ukraina bùng phát. Không những vậy, các học giả cũng đánh giá xu hướng tập hợp lực lượng trên thế giới. Cuối cùng, vấn đề rất quan trọng được thảo luận là các quốc gia và vùng lãnh thổ cần phải sử dụng những chiến lược ngoại giao như thế nào để tránh các cuộc xung đột tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Phát biểu tổng kết buổi Tọa đàm, đại diện Ban Chủ nhiệm Chương trình đánh giá cao những đóng góp có ý nghĩa về mặt học thuật và thực tiễn của các học giả qua các bài tham luận, những người mang đến cái nhìn đa chiều về cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraina.  Cuối cùng đại diện Ban chủ nhiệm Chương trình và chủ trì Tọa đàm cảm ơn các học giả đã tham dự buổi Tọa đàm và hy vọng sẽ tiếp tục có những buổi trao đổi, thảo luận với các học giả Đài Loan về vấn đề này chuyên sâu hơn nữa dưới nhiều góc nhìn khác nhau trong thời gian tới./.

Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

File