Tin tức và sự kiện

Share Social
Print
Quay lại

Hội thảo: Phát triển vùng Mekong trong bối cảnh Châu Á năng động

  • Ngày 21/03/2022
  • Hit 49
  • Tác giả iwep

Hội thảo: Phát triển vùng Mekong trong bổi cảnh Châu Á năng động

18/02/2017

Ngày 17 tháng 02 năm 2017, tại hội trường 3D nhà A, trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã diễn ra hội thảo với chủ đề “Phát triển vùng Mekong trong bối cảnh Châu Á năng động” do Trường Đại học Waseda (Nhật Bản), Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), và Trung tâm Kinh tế Châu Á -Thái Bình Dương đồng tổ chức.

GS.TS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda phát biểu tại Hội thảo
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Trường Đại học Kinh tế
phát biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía đại diện Ban Tổ chức, có: GS.TS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda; PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế; PGS.TS. Chu Đức Dũng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới; PGS.TSKH. Võ Đại Lược, Tổng Giám đốc Trung tâm Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương. Tham dự Hội thảo, đến từ Nhật Bản, có các nhà khoa học của các trường đại học như: Trường Đại học Waseda, Trường Đại học Toho, Trường Đại học Obirin,Trường Đại học Meiji Gakuin, Trường Đại học Âm nhạc Tokyo; các tổ chức và tập đoàn lớn như: Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Viện Nghiên cứu Kinh tế Châu Á – thuộc JETRO, Tập đoàn Mitsui… Các tổ chức, trung tâm nghiên cứu thuộc một số nước ASEAN như: Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (Campuchia), Viện Nghiên cứu Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại (Lào), Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Kinh tế (Myanmar). Các đại biểu Việt Nam đến từ Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), Trung tâm Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương,… Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, với tư cách là những người nhận xét và phản biện, đến từ: Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Trường Đại học Ngoại thương, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương cùng các nhà khoa học, các nghiên cứu viên đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu tại Hà Nội.

PGS.TSKH. Võ Đại Lược (trái), GS.TS. Trần Văn Thọ
và PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn (phải) đồng chủ trì Hội thảo
PGS.TSKH. Võ Đại Lược (trái), GS.TS. Trần Văn Thọ
và PGS.TS. Chu Đức Dũng (phải) đồng chủ trì Hội thảo

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, GS.TS. Trần Văn Thọ và PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, cho biết: Hội thảo là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi hợp tác nghiên cứu và trao đổi học thuật giữa Trường Đại học Waseda, Trường Đại học Kinh tế và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Cho đến nay, Trường Đại học Waseda và Trường Đại học Kinh tế thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu học thuật và văn hóa thường niên làm khăng khít thêm mối quan hệ truyền thống giữa hai trường, đồng thời là cơ hội cho giảng viên và sinh viên học hỏi, tìm hiểu kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Trường Đại học Kinh tế và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng có truyền thống hợp tác lâu dài, đặc biệt trong các lĩnh vực nghiên cứu về kinh tế thế giới, hội nhập, và các vấn đề lớn của nền kinh tế Việt Nam, trong đó có vấn đề về phát triển vùng Mekong và nhất là chương trình hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS).

Trải qua 25 năm tồn tại và phát triển với thiện chí và sự hợp tác chân thành giữa các quốc gia, Chương trình GMS đã mang lại nhiều thành tựu và được đánh giá là hợp tác hiệu quả nhất trong các cơ chế hợp tác Tiểu vùng. Các sáng kiến và hoạt động trong chương trình GMS tập trung vào 9 lĩnh vực chính bao gồm: Giao thông vận tải, Năng lượng, Môi trường, Du lịch, Bưu chính Viễn thông, Thương mại, Đầu tư, Phát triển Nguồn nhân lực, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thúc đẩy mạnh mẽ tính kết nối và quá trình hội nhập trong khu vực Châu Á.

GS.TS. Ryo IKEBE trình bày tham luận tại Hội thảo
GS.TS. Masami ISHIDA trình bày tham luận tại Hội thảo

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi và bước vào giai đoạn tăng trưởng từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính thế giới năm 2008, các nền kinh tế Châu Á đã được cải thiện rõ ràng và đang dẫn đầu trong cuộc phục hồi kinh tế toàn cầu cũng như đang nỗ lực để duy trì những thành tựu đạt được. Tuy nhiên, khoảng cách phát triển giữa các nước tiểu vùng sông Mekong (CLMV: Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) và nhóm nước ASEAN-6 từ lâu vẫn là một trong những vấn đề lớn của ASEAN nói chung và GMS nói riêng. Không đơn thuần chỉ về thu nhập bình quân đầu người, giữa ASEAN-6 và CLMV còn tồn tại những khoảng cách lớn về trình độ giáo dục, chăm sóc y tế, khuôn khổ và năng lực thể chế, hạ tầng và mức độ tiếp cận công nghệ thông tin… Sự chênh lệch về trình độ phát triển đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hợp tác, mức độ liên kết trong ASEAN cũng như giữa ASEAN với bên ngoài.

TS. Nguyễn Bình Giang trình bày phản biện tại Hội thảo
TS. Nguyễn Trí Thành trình bày phản biện tại Hội thảo

Nhận thức được điều này, Việt Nam luôn coi thu hẹp khoảng cách phát triển là một trong những ưu tiên cao, đặc biệt việc ủng hộ và tham gia tích cực cả trong hợp tác nội khối GMS cũng như với các đối tác, nhằm tăng cường vị thế và uy tín trên diễn đàn ASEAN cũng như các diễn đàn quốc tế khác để nắm bắt được những cơ hội và chủ động đối phó với những thách thức trong tiến trình hợp tác khu vực và quốc tế nhằm mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Tới nay, đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế ở các nước GMS thông qua hình thức tạo vốn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và chuyển giao công nghệ… Trong giai đoạn 2001-2015, thương mại giữa Việt Nam và các nước GMS đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ nhờ sự hợp tác khu vực trong việc loại bỏ thuế quan, tạo thuận lợi cho thương mại trong ASEAN, và những nỗ lực của các nước GMS trong việc phát triển hành lang kinh tế. Tuy nhiên, tỷ lệ thương mại giữa Việt Nam và GMS vẫn còn nhỏ so với thương mại giữa Việt Nam với thế giới và các nước ASEAN+3 do Việt Nam và các nước GMS có quy mô kinh tế nhỏ và dựa nhiều vào các nước phát triển.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo gồm ba phiên. Phiên thứ nhất về chủ đề FDI, công nghiệp hóa và sự phát triển của các nước Tiểu vùng sông Mekong. Phiên thứ hai về kết cấu hạ tầng cứng và mềm trong Tiểu vùng sông Mekong. Phiên thứ ba về tương tác kinh tế giữa các nước trong Tiểu vùng sông Mekong. Phiên 1 và 2 có 4 báo cáo tham luận, phiên 3 có 3 báo cáo tham luận; sau mỗi báo cáo tham luận là một báo cáo phản biện và bình luận kèm theo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Các báo cáo tập trung đề cập tới những vấn đề, như: phân tích nền kinh tế của Lào nói chung cũng như lĩnh vực phát triển công nghiệp và FDI nói riêng, cung cấp những thông tin hữu ích về chiến lược phát triển của Chính phủ Lào đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030; Đề cập chi tiết về những thay đổi trong cấu trúc thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước trong Tiểu vùng sông Mekong; Phân tích tình hình kinh tế Myanmar trong 30 năm qua và đề xuất xây dựng một nền kinh tế thị trường do khu vực kinh tế tư nhân dẫn dắt và cần nuôi dưỡng doanh nghiệp tư nhân…; Nêu lên vai trò, vị trí của của công nghiệp và chính sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của các nước trong Tiểu vùng sông Mekong… Và, đề xuất chiến lược phát triển với chính sách kinh tế phù hợp với hoàn cảnh của các nước trong Tiểu vùng; Chiến lược công nghiệp hóa dựa vào phát triển nông nghiệp và chính sách xúc tiến phát triển nông nghiệp cho Tiểu vùng sông Mekong; Chiến lược, chính sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong Tiểu vùng… Nghiên cứu về sự phát triển vùng kinh tế GMS, những thay đổi về cấu trúc thương mại và đầu tư trong GMS, vai trò của các nước đối tác lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc đối với Tiểu vùng sông Mekong nhằm đưa ra những khuyến nghị, góp phần giúp các cơ quan hoạch định chính sách Việt Nam xây dựng được các biện pháp, chiến lược phù hợp để hội nhập trong GMS nói riêng và trong ASEAN+3 nói chung thành công, mang lại những lợi ích thiết thực cho nền kinh tế Việt Nam.

Hội thảo là cơ hội để các để quý vị đại biểu, các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi ý kiến, quan điểm khoa học về phát triển vùng Mekong trong bối cảnh hội nhập ASEAN và ASEAN với bên ngoài, đưa ra những gợi ý cho Việt Nam tham gia thành công trong GMS./.

File